Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Cùng với bánh cuốn Thanh Trì, hình ảnh trên vai đôi quang gánh với tiếng rao thân thuộc: "Ai bánh đúc nào, bánh đúc lạc đây” đã trở nên quen thuộc trên mỗi nẻo đường, ngõ phố Hà Nội.


Bánh đúc lạc có mặt khắp kẻ chợ, thôn quê. Chính cái vị ngầy ngậy, giòn giòn, mềm mượt của bánh đúc quyện với mùi thơm và ngọt của tương đem lại cho người ăn cảm giác thật lạ miệng.
Người miền Bắc coi bánh đúc là món quà dân dã mà khó quên. Bánh đúc như làn gió đồng quê man mát, đem lại hương vị vừa thân quen vừa mới lạ cho người thành phố. Cùng với bánh cuốn Thanh Trì, hình ảnh trên vai đôi quang gánh với tiếng rao thân thuộc: "Ai bánh đúc nào, bánh đúc lạc đây” đã trở nên quen thuộc trên mỗi nẻo đường, ngõ phố Hà Nội.
Ảnh: Thehetre.vn
Rất giản dị, bánh được nấu từ bột gạo pha với ít vôi tôi. Nhưng quan trọng nhất lại là cách chọn loại gạo, vì như thế bánh đúc mới ngon, mới giòn được. Đơn giản vậy thôi nhưng người nấu phải có bí quyết riêng của mình và thêm chút kì công. Nấu bánh làm sao đừng để bột vón cục, không được khê hay cháy. Để bánh có vị ngọt bùi, người làm bánh cho thêm nhân lạc vào. Một chiếc bánh đúc mầu trắng ngà, mịn như thạch, loáng thoáng điểm thêm mấy hạt lạc nâu hồng nom thật ngon mắt, chỉ thoáng tưởng tượng thôi đã thấy thèm.
Vị quê trong bánh đúc lạc

Bánh đúc được xắn thành từng miếng, ăn giòn, mát là thứ quà ai cũng thích. Bánh đúc lạc được chấm với tương mà đặc biệt là tương Bần thì rất tuyệt. So với các loại quà bánh khác, bánh đúc giá rẻ hơn rất nhiều. Với dăm bảy nghìn là cả nhà được thưởng thức một bữa no nê.
Món ăn dân dã thôn quê này đã có mặt ở khắp các phố phường Hà Nội. Không chỉ có bánh đúc lạc, những biến tấu của bánh đúc như bánh đúc nóng, bánh đúc nộm… cũng được mọi người chào đón nhiệt tình. Mỗi loại đều cho ta một hương vị riêng khó lẫn mà thắm đượm tình quê.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -